Từ chú sâu nhỏ bé đến “Chú sâu háu ăn” kinh điển
– Chặng đường 50 năm –
*************
Lần nào cũng vậy. Sau kì nghỉ cuối tuần hay bất kì dịp nghỉ lễ có tổ chức ăn uống no say thoải mái, chẳng hạn sau ngày Super Bowl, ngày mồng năm của tháng Bảy, tuần đầu tiên của tháng Một sau toàn bộ mùa lễ từ Lễ Tạ Ơn đến tận Năm Mới… tôi thường thực hiện một nghi thức “giải độc – cai nghiện” đồ ăn: chỉ ăn món rau trộn tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Bằng cách nào đó mà trong tâm trí tôi, hình ảnh chiếc lá trong món rau trộn càng xanh tươi bao nhiêu, nghi thức của tôi càng trở nên thanh khiết bấy nhiêu, và khi nhấm nháp lá rau xanh tươi ngon lành đó, tôi nghe thấy một giọng nói nhỏ thì thầm trong đầu: “Ngày hôm sau lại là Chủ Nhật. Chú sâu ăn xuyên qua một chiếc lá xanh non và sau đó chú cảm thấy đỡ hơn nhiều.” Đó là một vài câu trong một tác phẩm kinh điển mà tôi, cũng như hàng nghìn người khác, đã có cơ hội được đọc từ thời thơ ấu: “Chú sâu háu ăn”.
“Chú sâu háu ăn” của Eric Carle được xuất bản lần đầu cách đây 50 năm, vào ngày 20 tháng 3 năm 1969. Kể từ đó, cuốn sách đã bán được gần 50 triệu bản trên khắp thế giới, được dịch ra hơn 62 ngôn ngữ. Theo thống kê của Penguin Random House, cứ 30 giây lại có một bản “Chú sâu háu ăn” được bán đi ở đâu đó trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia văn học thiếu nhi và chuyên gia thư viện, sức hấp dẫn lâu bền của cuốn sách đến từ cốt truyện nhẹ nhàng, các khái niệm mang tính giáo dục, hình ảnh đặc sắc và sức sống vượt thời gian về cả nội dung và tính thẩm mĩ.
Michelle Martin là giáo sư khoa Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Trường Information School, Đại học Washington. Mỗi ngày, bà hướng dẫn các giáo viên tương lai và các cán bộ thư viện trường học về phương pháp dạy đọc và kĩ năng đọc viết. Bà cũng đã viết rất nhiều bài giới thiệu, đánh giá về sách thiếu nhi. Trong lĩnh vực sách thiếu nhi, bà chia sẻ rằng nếu bạn không có hiểu biết về “Chú sâu háu ăn”, “bạn chẳng khác gì người mù chữ”.
Một phần lí do khiến cả trẻ và cha mẹ đều yêu thích “Chú sâu háu ăn” bởi vì nó là một cuốn sách mang tính giáo dục nhưng không hề khiến người ta nghĩ đó là sách giáo dục. Thông thường, văn học thiếu nhi là một thể loại tuân theo mô phạm: “Nó phải dạy cho trẻ điều gì đó, nhưng những cuốn sách thiếu nhi hay nhất dạy cho trẻ những bài học nhưng chính trẻ lại không biết rằng trẻ đang học.” Bà bổ sung thêm rằng trong cuốn “Chú sâu háu ăn”, “trẻ sẽ học thêm về các ngày trong tuần, màu sắc, các loại trái cây, tên của các loại đồ ăn. Cuối cùng, trẻ sẽ học một đôi chút kiến thức về dinh dưỡng: Nếu ăn quá nhiều đồ ăn không tốt cho sức khỏe, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu.” Nhưng điều quan trọng là những thông tin ý nghĩa đó không hề khiến trẻ cảm thấy “ép buộc”.
Kim Reynolds, một chuyên gia về văn học thiếu nhi tại trường Đại học Newcastle ở nước Anh đã nhận định rằng những bài học về dinh dưỡng trong cuốn sách “Chú sâu háu ăn” cực kì có ý nghĩa với trẻ. “Thực tế là diễn biến câu chuyện không chỉ nói về cơn đói, mà còn về niềm vui khi được thưởng thức thức ăn – thông qua các loại thức ăn mà chú sâu đã ăn, mùi vị, kết cấu, màu sắc, hương thơm của chúng đều được kích thích – tất cả đều góp phần gia tăng niềm vui thích đối với thức ăn ở trẻ”, cô chia sẻ trong một email. Cuốn sách đem đến cho trẻ rất nhiều cơ hội để cảm thấy vui vẻ, đắc chí khi chú ăn quá nhiều và bị đau bụng. (Có lẽ sau này các độc giả nhí mới hiểu được sự đau đớn khó chịu của chú sâu háu ăn khi bị đau bụng).
Nhưng “Chú sâu háu ăn” không chỉ dừng lại ở màu sắc, con số, thói quen ăn uống lành mạnh, các ngày trong tuần. Martin cho biết: Nó còn đem đến một bài học thực tế về đặc điểm sinh học của động vật: “Các bạn nhỏ sẽ học được một chút kiến thức về vòng đời của chú sâu, sâu chui vào trong kén, sau đó trở thành bướm bay ra ngoài.” Có bao nhiêu trẻ 2 tuổi biết về sự biến đổi hình thái nhỉ? Chắc chắn nhờ có “Chú sâu háu ăn” mà con số sẽ tăng lên.
Reynolds tin rằng câu chuyện về sự biến đổi hình thái này có thể được xem như là một câu chuyện ngụ ngôn phù hợp với lứa tuổi về quá trình trưởng thành. Ở một mức độ nào đó, câu chuyện này tóm tắt hành hình từ trẻ em thành người lớn và tái hiện được rằng đó là một quá trình biến đổi hoàn toàn tích cực. “Ban đầu bạn nhỏ bé và đói bụng (đối với những em bé khỏe mạnh, thức ăn chính là nguồn vui đầu tiên và cũng chính là sự kết nối đầu tiên với người chăm sóc). Sau đó bạn lớn lên, và trở nên xinh đẹp. (Eric Carle cũng từng chia sẻ: “Giống như chú sâu, trẻ em sẽ khôn lớn và sải đôi cánh của riêng mình”.
Một khía cạnh khác khiến “Chú sâu háu ăn” được nhiều người yêu mến là những đặc điểm nghệ thuật tinh tế và sinh động trong cuốn sách. “Nghệ thuật trong cuốn sách này vô cùng tuyệt vời.” Những yếu tố độc đáo như lỗ tròn xuyên qua các trang – chính là cách mà chú sâu ăn xuyên qua các loại thức ăn – giúp cho trẻ nhỏ có một trải nghiệm đọc sách đáng nhớ.
Đối với Chú sâu háu ăn cũng như hầu hết các cuốn sách khác của Eric Carle, ông sử dụng màu sắc tươi sáng và các kĩ thuật quen thuộc với trẻ nhỏ như vẽ bằng tay, cắt dán. “Bọn trẻ sẽ nghĩ rằng, “Ôi, mình cũng có thể làm được!”. Mặt trời trong “Chú sâu háu ăn” còn có đang mỉm cười nữa chứ.
Những chủ đề minh họa quen thuộc với trẻ nhỏ của Eric Carle khiến mọi người hiểu nhầm về tính phức tạp cũng như khả năng sáng tạo trong phong cách hình ảnh của ông – một phong cách khác biệt trong dòng sách thiếu nhi tại thời điểm mà Chú sâu háu ăn được xuất bản lần đầu năm 1969. “Tôi nghĩ việc thể hiện tính nghệ thuật như thế là một phần ý định của Eric Carle, bởi vì nó sẽ thu hút trẻ nhỏ.” Martin chia sẻ, nhưng cô bổ sung thêm rằng quá trình tạo ra hình ảnh cho các cuốn sách thiếu nhi của Eric Carle rất tỉ mẩn và phức tạp, và tại thời điểm đó, Eric Carle còn tạo ra các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày ở phòng triển lãm. “Người ta từng cho rằng nếu bạn là một họa sĩ, minh họa chỉ là một loại công việc ở tầng lớp thứ hai.” Theo cách nói đó, Eric Carle đã đi trước thời đại. “Vào những năm 1960, không có nhiều họa sĩ minh họa tận tụy với nghề như bây giờ. Ngày nay, các họa sĩ đã bứt phá giới hạn nhiều hơn và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng để trưng bày nhưng được dùng cho các cuốn sách tranh.” Cô bổ sung thêm rằng Eric Carle có phòng trưng bày riêng ở Massachusetts – chính là Bảo tàng Eric Carle ở Amherst, đây cũng là nơi đang tổ chức hoạt động kỉ niệm 50 năm xuất bản “Chú sâu háu ăn” với chương trình triển lãm đặc biệt.
“Chú sâu háu ăn” là tác phẩm tiêu biểu của thời đại. Reynolds chia sẻ rằng vào cuối những năm 1960, “Có rất nhiều chương trình đào tạo tâm lí cho giáo viên về mọi thứ liên quan đến trẻ em từ nỗi sợ của trẻ đến nhận thức về màu sắc: Người ta khuyến khích trẻ nhỏ khám phá thế giới (một cách an toàn). Màu sắc tươi sáng, những đồ vật thường ngày, những thiết kế đơn giản và hướng tiếp cận cuộc sống lạc quan vui vẻ” là xu hướng thịnh hành trong văn học thiếu nhi thời kì đó và chúng ngập tràn trong các trang sách của “Chú sâu háu ăn”.
Trong khi nhiều cuốn sách thiếu nhi của kỉ nguyên đó gắn liền với thế giới thực và thiên nhiên, rất ít cuốn độc đáo như “Chú sâu háu ăn”. Đặc biệt ở Mỹ, cô chỉ ra rằng, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi của những năm 1960 mang đặc trưng của kỉ nguyên đấu tranh nhân quyền. Nhiều tác phẩm thiếu nhi kinh điển từ năm 1969 tuyên bố tính thời đại, nhưng theo Martin thì “Chú sâu háu ăn” không như vậy.
“Chú sâu háu ăn” sống rất lâu. Nó chẳng có gì phải gắn chặt với 1969, thật đấy.”
Vì lí do đó, Martin cho biết cô mong rằng “Chú sâu háu ăn” vẫn là một món quà yêu thích để dành tặng cho trẻ nhỏ và các lớp học thêm 50 năm nữa tính từ bây giờ. “Những giá trị đó vẫn còn tồn tại, và chú sâu vẫn còn đó. Bọn trẻ vẫn cần phải học các ngày trong tuần.”
*************
Bài viết gốc được đăng trên the Atlantic.com