Chia sẻ là một kỹ năng cực kỳ cần thiết trong cuộc sống. Trẻ học được điều này càng sớm sẽ có khả năng tiếp thu và sử dụng kỹ năng này trong cuộc sống dễ dàng hơn. Chia sẻ sẽ giúp trẻ kết bạn ở các khu vui chơi cũng như ở trường, đồng thời trẻ cũng sẽ được lợi ích từ việc này khi lớn lên, bước đi trên chính đôi chân mình và được tôn trọng trong công việc. Một trong những cách dạy trẻ học cách chia sẻ dể dàng là thông qua những câu chuyện trong các cuốn sách tranh. Bố mẹ cùng tham khảo cách dạy trẻ chia sẻ trong cuốn sách “Chiếc túi đầy ắp những nụ hôn nhé”!
Nội dung bài học về sự chia sẻ trong sách “Chiếc túi đầy ắp những nụ hôn”
Gấu Mèo Chester có thêm một em trai và em trai đang chiếm mất vị trí của cậu. Khi cậu nhìn thấy mẹ tặng em một nụ hôn lên lòng bàn tay – giống như nụ hôn trên tay của cậu – cậu thấy suy sụp vì buồn, nhưng mẹ đã trấn an những nỗi sợ hãi của cậu bằng sự tinh tế đặc biệt của mình, tìm ra đúng phương pháp để khiến Chester cảm nhận được tình yêu sâu sắc của mẹ dành cho mình. Đó là nội dung cuốn sách tranh song ngữ “Chiếc túi đầy ắp những nụ hôn”, một cuốn sách dịu dàng tiếp nối series sách bán chạy trên New York Times và cũng là series sách thiếu nhi kinh điển “Nụ Hôn Trên Bàn Tay”.
Với cuốn sách này, tác giả Audrey Penn đã mang đến cho các bậc cha mẹ một câu chuyện êm đềm về tình yêu trong gia đình và quan trọng hơn hết là bài học về sự chia sẻ. Theo tâm lý thông thường, trẻ quen được cả gia đình thương yêu sẽ không tránh khỏi ghen tỵ, tủi thân khi xuất hiện một người em nhỏ hơn mình, được quan tâm và chăm lo không kém gì thậm chí còn hơn mình, và có quyền sử dụng chung những món đồ trước đây là của riêng mình. Trong tình huống ấy, mẹ Chester đã dạy cho con bài học về việc chia sẻ với em, không ganh tỵ xuất phát từ việc cậu hiểu ra rằng: mẹ yêu thương cả hai anh em, và cách mẹ yêu Chester cũng rất đặc biệt, không hề giống em của cậu. Nhận được tình yêu của mẹ, Chester chắc chắn sẽ không còn ấm ức tủi thân mỗi khi em mình được mẹ âu yếm, hiểu được vai trò của người anh trong nhà và biết cách yêu thương em hơn.
Tình huống trong truyện rất dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào có từ 2 con. Cha mẹ có thể tham khảo cách trò chuyện của mẹ gấu mèo Chester để giải toả tâm lý lo lắng, tủi thân của con khi thấy em được quan tâm.
Dạy con cách chia sẻ khi đọc sách tranh song ngữ “Chiếc túi đầy ắp những nụ hôn”
Cha mẹ có thể sử dụng những cách thức sau đây để trò chuyện với con về tinh thần chia sẻ trong cuộc sống: Đặt các câu hỏi Tại sao: Tại sao Chester muốn trả lại em trai của mình? Bởi vì em ấy chơi đồ chơi của cậu, đu trên xích đu và đọc sách của cậu. Tại sao mẹ Chester nghĩ rằng cậu ấy xứng đáng với điều gì đó đặc biệt? Bởi vì cậu ấy là người anh lớn trong gia đình. Tại sao Chester không còn thấy khó chịu khi em được yêu thương? Vì Chester cũng được mẹ yêu thương và cậu ấy còn sở hữu cho riêng mình một nụ hôn của mẹ.
Hãy tôn trọng đồ chơi của con: Trong truyện, Chester cảm thấy khó chịu khi em dùng đồ chơi của mình. Cha mẹ hãy nhớ rằng, đối với trẻ nhỏ, đồ chơi là “gia tài” của chúng. Cha mẹ hãy tôn trọng nó bằng cách hỏi ý kiến trẻ khi muốn cầm món đồ chơi, giữ gìn và trả chúng cho trẻ trong tình trạng y như lúc mượn. Cha mẹ cần phải dạy điều này cho anh chị em cùng nhà với trẻ. Việc thế giới của con không bị xâm phạm sẽ giúp con không nảy sinh cảm giác bực bội, ghét bỏ như Chester ở đầu truyện.
Cho trẻ thấy chia sẻ là niềm vui: có một số đồ chơi chỉ vui khi có nhiều người cùng chơi. Hãy cho con thấy rằng nếu con cùng chơi với em, trò chơi sẽ vui hơn gấp bội. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận được rằng, sự chia sẻ khiến cho trái tim ta tràn ngập niềm vui, và người được chia sẻ cũng rất vui. Tương tự, chia sẻ về tình cảm cũng như vậy. Nếu mẹ chỉ thương mình mình mà bỏ mặc em, chắc em sẽ buồn lắm. Nếu anh/chị chia sẻ cho em tình cảm của mẹ, cả nhà đều vui.
Tránh giáo điều và áp đặt về đạo đức: Nếu cha mẹ nghiêm túc hoá hành động chia sẻ và áp đặt trẻ phải làm điều đó vì như vậy mới là người anh/người chị tốt, trẻ sẽ thấy nặng nề. Con trẻ thường thích làm điều gì chúng thấy vui. Cha mẹ có thể quan sát lời nói của mẹ Chester trong truyện. Bà không dạy dỗ bằng lý thuyết mà đưa ra các hình ảnh sinh động để con tự cảm nhận. Bà không áp đặt mà khiến con cảm thấy thoải mái và tự giác chia sẻ.
Cho con thấy rằng đôi khi không chia sẻ cũng chẳng sao cả: Có một số món đồ vô cùng đặc biệt đối với trẻ, khiến chúng không sẵn sàng để chia sẻ. Nếu cha mẹ buộc trẻ phải chia sẻ bằng mọi giá, bài học này sẽ phản tác dụng, trẻ sẽ không hình thành sự hào phóng mà còn trở nên bực bội. Cha mẹ hãy cho con thấy rằng mình hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của con, và xin ý kiến con về việc cái nào con có thể chia sẻ, món đồ nào con không dùng đến, rồi mới đem nó cho anh chị em cùng nhà.
Những nguyên tắc khi dạy con tinh thần chia sẻ
Sau đây là một số nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý khi dạy con tinh thần chia sẻ:
- Kiên nhẫn: Hãy chờ cho em bé nhà bạn thực sự hiểu và cảm thấy muốn được chia sẻ.
- Áp lực tích cực: Thay vì ép buộc trẻ chia sẻ, hãy khéo léo tạo ra những cơ hội để trẻ chủ động chia sẻ.
- Làm gương: Cha mẹ hãy luôn làm gương về sự chia sẻ cho con quan sát.
- Lồng ghép “chia sẻ” vào mọi lúc: Trong lúc ăn cơm, trong giờ đọc sách, khi đi chơi công viên, cha mẹ hãy khéo léo chèn từ “chia sẻ” vào trong cuộc trò chuyện với con để con thấm sâu giá trị này. Chỉ ra hành động tốt: Khi bắt gặp ở bất cứ đâu một hành động chia sẻ đẹp, hãy chỉ cho con thấy.
- Khen ngợi và khuyến khích kịp thời: Đừng quên khen ngợi khi con biết chia sẻ. Lời khen của cha mẹ là món quà con thích nhất, giúp con có động lực duy trì hành động tốt về sau.